Thác Bản Giốc – Kiệt tác thiên nhiên ban tặng .

Thác Bản Giốc – vẻ đẹp kỳ vĩ giữa non nước Cao Bằng.

Thác Bản Giốc được coi là nơi có cảnh sắc hùng vĩ, như tiên cảnh ở dòng Quây Sơn, Cao Bằng. Dòng thác không chỉ mang vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mà còn được đắm mình trong câu chuyện tình yêu đậm màu sắc huyền thoại của đôi trai gái miền sơn cước.

Thác Bản Giốc thuộc địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng

Nằm trên đường biên giới Việt – Trung, thác Bản Giốc được mệnh danh là một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam, là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là thác lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới. Thác Bản Giốc cao hơn 60m với chỗ dốc dài nhất 30m. Chia thành nhiều tầng đá vôi nối tiếp nhau và trải rộng đến cả trăm mét. Giữa thác có mô đất rộng với nhiều cây xanh bao phủ, chia con sông thành ba nhánh khác nhau.

Nước dòng Quây Sơn có màu ngọc bích trong tiết trời vào thu. Trên mặt sông, hơi nước hình thành một khoảng sương mù, khi ánh nắng chiếu vào mang đến khung cảnh huyền ảo. Cảnh đẹp say đắm lòng người với từng tầng thác nối tiếp nhau tuôn nước ồ ạt, bọt tung trắng xóa.

Chỉ phải bỏ ra 50.000 đồng/người, du khách được ngồi lên chiếc thuyền đi lòng vòng quanh chân thác trong khoảng 15 phút. Theo nhiều người, khoảng thời gian đẹp nhất để đến Cao Bằng là tháng 9 đến tháng 12, khi thác Bản Giốc đầy nước trong xanh. Mùa hè, nơi đây cũng là điểm đến lý tưởng bởi thời tiết trong lành cùng làn nước mát lạnh, xua tan cái nắng oi ả.

Đến với Bản Giốc, du khách không những được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mà còn được đắm mình trong câu chuyện tình yêu đậm màu sắc huyền thoại của đôi trai gái miền sơn cước.

Đây là điểm du lịch tiêu biểu mang tính biểu tượng của tỉnh Cao Bằng. Vẻ đẹp thác Bản Giốc luôn đan xen giữa hùng vĩ, dữ dội với nét mộng mơ hiền hòa và trữ tình sâu lắng. Là một điểm di sản nằm trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, thác Bản Giốc – điểm đến vô cùng hấp dẫn, hứa hẹn sẽ đem lại những trải nghiệm quý báu cho du khách trong và ngoài nước.

Cùng với danh thắng thác Bản Giốc, Cao Bằng còn là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác như: động Ngườm Ngao, khu du lịch sinh thái Phia Oắc, quần thể hồ Thang Hen, Phia Đén, các làng nghề truyền thống nổi tiếng…

Làng hương Phia Thắp

Nghề làm hương của người Nùng An ở làng Phia Thắp đã có từ lâu đời

Những năm trở lại đây, làng Phia Thắp bắt đầu làm du lịch cộng đồng, đón khách thập phương về nghỉ ngơi, tìm hiểu cuộc sống của làng. Trải nghiệm làm hương là một trong những chương trình hấp dẫn du khách. Đây cũng là cách để tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu, gắn làng nghề với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch để tạo ra sản phẩm hấp dẫn, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội cho bà con, và cũng là điểm nhấn khi tới mảnh đất Cao Bằng.

Làng rèn Phúc Sen

Làng Phúc Sen với nghề rèn có lịch sử trên 300 năm. Ban đầu, làng chỉ rèn các nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật dụng sinh hoạt. Ngày nay, sản phẩm của làng nghề phong phú đa dạng hơn, có uy tín không chỉ trong phạm vi tỉnh Cao Bằng mà còn có mặt ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên, thành phố Hà Nội của nước ta cũng như các huyện biên giới của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Để làm ra một con dao sắc, người Nùng An có những bí quyết riêng. Nguyên liệu rèn dao được làm từ những miếng nhíp ô tô đã hỏng, đặc biệt từ nhíp xe U-oát là tốt nhất. Ở những nơi khác người ta thường dùng than đá để nung thì ở làng Phúc Sen lại dùng than củi từ các loại gỗ cứng như gỗ nghiến mới giúp giữ nhiệt và làm than mau đỏ. Để giữ được nhiệt, lò nung thép cũng phải làm bằng đá, rồi dùng rơm và trấu làm chất liệu xây lò. Theo những người làm nghề lâu năm trong làng, nghề rèn thủ công ở Phúc Sen hầu như không có công thức mà chủ yếu nhờ cảm nhận tinh tế của tai, đôi mắt cùng kinh nghiệm của người thợ. Công đoạn tôi thép là công đoạn khó nhất, quyết định đến chất lượng sản phẩm, thường do các thợ cả giàu kinh nghiệm thực hiện.

Với ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng trong đời sống người Nùng An, tháng 1 năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định công nhận nghè rèn của người Nùng An, xã Phúc Sen là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Có thể nói đây là một trong những làng nghề độc đáo nhất ở tỉnh Cao Bằng. Chính vì vậy mà hàng năm lượng khách du lịch đến với xã Phúc Sen tương đối lớn, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.

Làng đan lạt Bồng Sơn

Làng Bồng Sơn – được biết đến là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã Đàm Thủy huyện Trùng Khánh, không chỉ được biết đến là làng có phong trào cách mạng từ rất sớm mà còn nổi tiếng với nghề đan lạt vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay.

Các sản phẩm của nghề đan lạt, gồm: cót lạt cật để trải giường nằm, cót lạt nan để phơi thóc, ngô, đỗ; bồ đựng thóc, dậu đựng gạo, “rủm” đựng đồ lễ; mẹt, sàng, thúng… đến sọt, lồng nhốt gà, vịt… là các đồ dùng thiết yếu của mọi gia đình nông dân. Nghề đan lạt là nghề phụ của các gia đình ở làng Bồng Sơn, có tính chất gia truyền, làm vào lúc nông nhàn hoặc tranh thủ ngoài giờ làm đồng, đi rẫy. Để làm ra các sản phẩm bền, đẹp, đòi hỏi kỹ năng thuần thục, nhất là việc chọn vầu, chẻ nan lạt, yêu cầu cơ bản nan phải rộng, dày đều đặn. Mỗi loại sản phẩm là một loại nan, rồi phải qua việc phơi, sấy để nan dẻo, không mọt…

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nghề rèn vẫn được đồng bào dân tộc ở Làng Bồng Sơn gìn giữ, phát triển, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Với nhiều điểm du lịch hấp dẫn, Cao Bằng hứa hẹn là địa chỉ cho những ai yêu thích trải nghiệm đặt chân đến.

Bài viết liên quan