Mù Cang Chải – nhất định phải trải trong đời

Mù Cang Chải là huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Yên Bái, cách trung tâm thành phố Yên Bái 180km, cách thủ đô Hà Nội hơn 300 km về phía Tây Bắc. Vùng đất này nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao trên 2.000m so với mặt nước biển.

Nếu yêu xê dịch, hãy ít nhất ghé thăm Mù Cang Chải một lần. Càng đến mình càng yêu mến mảnh đất và con người nơi đây và tự hỏi tại sao một nơi đầy tiềm năng phát triển du lịch như vậy lại chưa được du khách nước ngoài biết đến nhiều như Sa Pa hay Hà Giang. Có lẽ bởi nơi đây chỉ có con đường Quốc lộ 32 đi qua, các dịch vụ lưu trú và giải trí chưa thực sự phát triển, du lịch mới được quảng bá mạnh mẽ hơn những năm gần đây. Xuất phát từ Hà Nội, du khách sẽ mất khoảng 5 đến 6 tiếng vượt qua những con đường đèo ngoằn ngoèo, uốn lượn để tới được một trong những huyện nghèo nhất Việt Nam, nơi mà tên gọi luôn mang đến cảm giác “thâm sơn cùng cốc”.

Toàn cảnh Mù Cang Chải.

Một ngày tháng 9 ở Mù Cang Chải, bạn có thể trải nghiệm thời tiết của cả bốn mùa: sáng sớm mát mẻ, trưa nắng ấm, chiều tối se se, đêm xuống khá lạnh. Những cơn mưa bất chợt chiều lòng du khách nên cũng không kéo dài quá lâu. Mù Cang Chải đẹp như một cô gái quê chân chất, mộc mạc chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi những phồn hoa đô hội. Thiên nhiên ưu ái dành cho mảnh đất Tây Bắc này biết bao cảnh đẹp hoang sơ. Mâm Xôi Lớn và Mâm Xôi Bé nên thơ như một bức tranh với lúa chín vàng óng ngút ngàn.

Đồi Mâm Xôi.

Móng Ngựa trải dài những thửa ruộng bậc thang hình bán nguyệt, trở thành điểm ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp thu hút biết bao nhiếp ảnh gia.

Đồi Móng Ngựa.

Không chỉ có lúa vàng, Mù Cang Chải còn có rừng trúc Púng Luông đưa ta vào những bộ phim kiếm hiệp cổ xưa. Sống lưng khủng long ở Dế Xu Phình với đường đi trắc trở là nơi để săn mây và phóng tầm mắt ra xa những ngọn núi trùng trùng điệp điệp. Ngoài ra, nếu yêu thích trekking, bạn có thể thuê người bản địa dẫn đường để tới Thác Bảy Tầng hùng vĩ.

Không thể không nhắc tới đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo của miền Bắc Việt Nam, điểm nhảy dù cao trên 1200m so với mực nước biển dành cho những ai ưa trải nghiệm môn thể thao dù lượn khá mới mẻ. Đây là lí do chính khiến mình xách ba lô lên và đi Mù Cang Chải lần này. Khoảnh khắc bàn chân nhấc khỏi mặt đất, mình thấy như cánh chim trời, đầy tự do và thích thú. Anh phi công bảo mình hãy ngắm nhìn áng mây vắt qua dãy núi, mái nhà đơn sơ mộc mạc điểm xuyết giữa cánh đồng, con suối quanh co uốn mình qua các bản làng bằng chính đôi mắt của mình – đó chính là chiếc ống kính máy ảnh đẹp hơn tất thảy bất kì loại máy móc hiện đại nào.

Vẻ đẹp của Mù Cang Chải là thứ mà bạn phải tới tận nơi, hít thở bầu không khí trong lành ở đó, ngắm nhìn bằng mắt thường mới cảm nhận hết sự hào phóng của thiên nhiên ban tặng cho nơi đây. Mình không ngừng tự nhủ Việt Nam mình đẹp quá. Nếu các bạn nữ hâm mộ bộ phim Hàn Quốc “Hạ cánh nơi anh”, hãy đừng chần chừ tới Mù Cang Chải để được làm nữ chính phiên bản Việt Nam. Kể cả không nhảy dù thì đây vẫn là một nơi vô cùng đáng đến để bạn có thể hòa mình cùng thiên nhiên và quên hết những bộn bề cuộc sống.

Cảnh hùng vĩ trên đèo Khau Phạ.

Dù lượn trên thung lũng.

Đến với Mù Cang Chải, chúng ta còn có thể cảm nhận được cuộc sống bình dị của người dân bản địa nơi đây khi tham quan thung lũng Lìm Mông, Lìm Thái. Đây là nơi có những bản làng người Thái nằm ở thung lũng ngay dưới đèo Khau Phạ – cũng chính là điểm hạ cánh khi bay dù lượn từ trên đỉnh đèo. Đi qua cây cầu treo thơ mộng là tới những con đường nhỏ như sợi chỉ dốc ngược lên núi. Đến Lìm Mông những ngày tháng 9 du khách sẽ được đi giữa mùa vàng với hai bên đường là những ruộng lúa chín trĩu hạt, những con suối trong vắt chảy róc rách bên bờ. Du khách có thể chạy xe giữa những thửa ruộng chín vàng, ngắm bản làng yên bình vào mùa gặt, gặp gỡ từ trẻ nhỏ tới người già hoặc vui chơi bên những dòng suối mát lạnh.

Cảnh sắc thiên nhiên trong veo tại bản Lìm Thái.

Và ở Mù Cang Chải còn nhiều những vẻ đẹp bình dị khác. Là vườn tam giác mạch với mùi hương đặc trưng, loài hoa chỉ có nơi vùng cao Tây Bắc. Là cành táo mèo trĩu quả, lá ngón hoa vàng mà ta thường nghe qua sách báo, những vạt hoa chi pâu tím dọc đường. Là rừng thông làm ta liên tưởng đến một thoáng Đà Lạt. Là nếp nhà sàn đơn sơ lủng lẳng những bắp ngô vàng ươm màu no ấm. Là khói bếp lam quện trong vạt nắng chiều. Là dòng suối trong vắt, mát lành chảy róc rách qua các bản làng. Là những con đường sỏi đá, đất lầy nhỏ hẹp, dốc đứng hiểm trở. Là Hơ Vinh – chàng trai xe ôm kiêm hướng dẫn viên người H’mông hay cười, nhiệt tình và hiểu biết. Là những em bé thân thiện và người dân bản địa dễ mến.

Các em bé vùng cao đáng yêu.

Cuối cùng, không thể không kể đến ẩm thực nơi đây. Tới Mù Cang Chải, du khách đừng quên thưởng thức các đặc sản đậm chất Tây Bắc như xôi nếp nương, nhộng ong rừng, măng đắng xào, thịt lợn đen nướng, cá suối nướng (pa pỉnh tộp), gà đen nướng, cá hồi, cá tầm Khau Phạ, cải mèo,… Món ăn không chỉ đặc sắc ở hương vị mà còn ghi dấu ấn với du khách với sự phục vụ chu đáo và hiếu khách từ người dân nơi đây.

Đặc sản có thể đem về làm quà có Cốm xanh Tú Lệ – món quà độc đáo của núi rừng Tây Bắc. Cốm Tú Lệ có màu xanh ngắt đặc trưng của lúa non. Cốm ngon nhất lúc vừa làm xong, thơm mát hương nếp non, vị ngọt thanh và độ dẻo quánh. Cốm được gói trong lá dong xanh để bảo đảm độ dẻo, thơm. Du khách được trực tiếp xem người dân sàng sảy và giã cốm theo cách thức truyền thống tại các bản làng, hay thậm chí có thể tham gia trực tiếp để tự tay giã những mẻ cốm của mình cùng với dân làng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan