Thác Bản Giốc – Chốn bồng lai tiên cảnh giữa đại ngàn Việt Bắc

Nằm trên đường biên giới Việt – Trung, giữa bốn bề rừng núi của tỉnh Cao Bằng, Thác Bản Giốc từ lâu đã được coi là bảo vật quý giá mà mẹ thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này. Sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, nghiễm nhiên nó trở thành một trong những thác nước lớn thứ 4 thế giới và là thác tự nhiên rộng nhất Đông Nam Á.

Đôi nét về thác Bản Giốc Cao Bằng

Thác Bản Giốc Cao Bằng được đánh giá là một trong những thác nước đẹp nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà còn được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến. Sở hữu vẻ đẹp trời cho, thác hiện lên như một bản hòa ca hùng tráng của thiên nhiên đất trời Cao Bằng.

Thác nằm trên địa bàn của cả Việt Nam và Trung Quốc chính vì vậy nó có 2 cái tên. Tổng chiều rộng của thác lên tới 208m, được chia thành 2 phần thác chính và thác phụ.

Nếu bạn nhìn từ chân thác thì sẽ thấy nó chia ra 2 phần thác bên trái (gọi là thác phụ) và thác bên phải (gọi là thác chính). Thác phụ và một nửa thác chính bên tay trái thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nửa còn lại bên phải của thác chính thuộc về Trung Quốc.

  • Việt Nam gọi thác phụ là thác Cao, thác chính là thác Thấp nhưng gộp cả 2 phần thác thì gọi chung địa danh này là thác Bản Giốc.
  • Phía Trung Quốc lại chia thành 2 thác riêng. Thác chính là thác Đức Thiên còn thác phụ là thác Bản Ước

Điểm thu hút nhất củaBản Giốc có lẽ nằm ở phần thác chính Tại đây, có những mô đất mấp mô, chia tầng như cầu thang khiến nước sông Quây Sơn khi đổ về đây không chảy thành 1 dải thẳng từ trên xuống mà bị chia tách thành nhiều dải, tạo thành một mảng trắng xóa giữa đất trời Cao Bằng.

Dường như sắc trắng này đang tô điểm thêm vào nền xanh bát ngát của rừng núi nơi đây, tất cả tạo nên một bức tranh hài hòa khiến du khách khi tới đây ai cũng phải ngỡ ngàng, thơ thẩn trước vẻ đẹp tuyệt tác này.

Truyền thuyết lịch sử tình yêu đầy cảm động về thác Bản Giốc Cao Bằng

Thác Bản Giốc Cao Bằng gắn liền với một câu chuyện về tình yêu lứa đôi đẹp nhưng lại có kết thúc đầy cảm động. Ai đã từng một lần ghé qua thác, chắc hẳn đều được nghe hướng dẫn viên kể về sự tích của dòng thác này.

Tương truyền rằng, xưa kia, lúc người Tày mới tìm đến vùng đất này để phá nương làm rẫy. Cuộc sống hồi đó còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng bù lại ông trời đã ưu ai ban cho các cô gái Tày một vẻ đẹp thuần khiết, tính tình nết na, thùy mị nên thường được tiến cử vào cung vua chúa.

Một lần, khi vua tuyển vợ cho hoàng tử nên đã cho phép chàng ngao du thiên hạ để tìm người phụ nữ mình yêu. Khi đặt chân đến Trùng Khánh, hoàng tử đã phải lòng cô gái Tày đẹp nhất bản với mái tóc dài chấm gót, đôi mắt đen láy và nước da trắng mịn.

Trớ trêu thay, cô gái đã có ý trung nhân nên đã từ chối tình yêu của hoàng tử. Vì quá tức giận, hoàng tử quyết bắt cô gái Tày về làm vợ và ngăn cô không được gặp người yêu.

Trên đường đưa cô gái về kinh, chàng trai kia đã liều mình cứu người yêu thoát chạy. Chạy đến thác Bản Giốc thì trời vừa tối, họ dừng chân bên thác nghỉ ngơi và dần lịm đi vào giấc ngủ ngàn thu vì quá kiệt sức. Ngay sau khi cặp đôi bỏ trốn, vùng đất này chứng kiến trời mưa tầm tã cả tuần liền.

Nước ngập khe suối, không ai dám ra ngoài vì mưa to kèm sấm sét dữ dội. Kỳ lạ thay, khi mưa tạnh, nơi đôi tình nhân ấy say giấc ngủ ngàn thu. Người ta không còn tìm thấy xác hay bất cứ dấu tích gì mà chỉ thấy có hai ngọn thác lớn đổ nước trắng xóa phía bên cạnh bản.

Dưới chân thác, mặt nước trong xanh hiền hòa như không vướng víu bụi trần. Kể từ đó, người dân gọi nơi đây là thác Bản Giốc. Để tưởng nhớ về một thời gái bản tiến vua, cũng là niềm tự hào của người Tày với sắc đẹp trời ban.

Người ta đồn rằng ngọn thác ở giữa chia ba tầng. Có hai tầng sát nhau như tư thế đôi tình nhân ôm nhau. Đó chính là hình ảnh người con trai đang ôm người yêu vào lòng, cả hai cùng khóc.

Giọt nước mắt chảy dài thành dòng thác cuồn cuộn. Còn ngọn thác bên phải từ chân thác nhìn lên đổ ầm ào không ngớt là hình ảnh của vị hoàng tử nọ, vì quá uất ức mà ngồi đó tiếc nuối người con gái mình yêu rồi cũng hóa thành thác dữ.

Nhưng vì sự cảm phục trước tình yêu của đôi trai gái bản Tày. Giọt nước mắt của hoàng tử cũng hòa chung với nước mắt của đôi tình nhân. Câu chuyện tưởng như rất buồn của chuyện tình đôi lứa nhưng lại là dấu ấn, là biểu tượng cho tình yêu bất diệt, không gì có thể ngăn cản.

Vẻ đẹp mê hồn của thác Bản Giốc Cao Bằng

Chỉ mới đặt chân đến địa bàn Thác Bản Giốc, ngay từ xa du khách đã có thể nghe thấy tiếng thác nước chảy rì rào. Từ độ cao trên 30m, những khối nước lớn với sức nước mãnh liệt đổ xuống qua nhiều bậc núi đá vôi tạo thành dòng thác lớn.

Ngọn thác được chia thành 3 tầng hùng vĩ, đặc biệt giữa thác có một mô đá rộng phủ đầy cây, vô tình xé dòng nước thành ba luồng chính nom như ba dải lụa mềm trắng muốt vắt ngang núi rừng.

Nhìn từ góc độ toàn cảnh, bạn sẽ thấy những vùng trắng xóa, điều này khiến bạn có cảm giác đang lạc trôi giữa chốn thiên nhiên hoang sơ nhưng vô cùng tráng lệ và hùng vĩ.

Vào những ngày trời nắng, những tia nắng vàng xuyên qua dòng thác, cộng hưởng với làn nước bụi mịn trắng xóa, mịt mờ ấy đã tạo nên những chiếc cầu vồng lung linh, huyền ảo.

Thêm vào đó là những dải nước rộng bên trái thác tràn thành thác phụ với nhiều sợi nước mảnh đan xen, chúng được ví như bức rèm vĩ đại của thiên nhiên. Sở hữu vẻ đẹp thơ mộng như vậy nên Bản Giốc luôn là địa điểm được nhiều du khách săn đón tới vậy.

Dưới chân thác là dòng sông Quây Sơn nước trong vắt soi bóng mây trời rất hữu tình. Để có thể cảm nhận rõ hơn về vẻ đẹp của tạo hóa nơi đây, du khách có thể thuê bè tre của người dân để tham quan xung quanh.

Với giá khoảng 50.000 – 100.000 đồng một người, đây cũng là một trải nghiệm mà bạn nên thử khi du lịch thác Bản Giốc. Dạo quanh sông trên chiếc bè, bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn những ruộng lúa, bãi cỏ xanh mướt hai bên bờ ôm lấy chân thác tạo nên bức tranh phong cảnh đầy mê hoặc.

Khám phá thiên nhiên tại đây bạn sẽ cảm nhận được bầu không khí sảng khoái, cùng với cảnh sắc hoàn mỹ như vậy sẽ khiến bạn thực sự thư giãn, xả stress đấy nhé.

Địa chỉ và hướng dẫn di chuyển đến thác Bản Giốc Cao Bằng

Thác Bản Giốc thuộc địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, cách thành phố Cao Bằng gần 90 km và Hà Nội khoảng 370km. Để đi tới Thác, bạn có thể đi bằng xe máy hoặc ô tô bắt đầu từ Hà Nội. Mỗi phương tiện đều sẽ cho bạn những thuận lợi riêng vì vậy bạn có thể cân nhắc để lựa chọn phương án thuận lợi nhất cho mình.

Di chuyển bằng xe máy

Nếu sử dụng phương tiện xe máy đi du lịch  Cao Bằng, các bạn có thể tham khảo 3 cung đường đi đến Bản Giốc như sau:

  • Theo Quốc lộ 1: Hà Nội – Thất Khê – Trùng Khánh – Bản Giốc ( Quãng đường đi khoảng 340km)
  • Theo Quốc lộ 3 và Quốc lộ 1B: Hà Nội – Thái Nguyên – Thất Khê – Trùng Khánh – Bản Giốc. Từ Hà Nội đến Thái Nguyên các bạn có thể đi theo Quốc lộ 3 mới để rút ngắn lộ trình
  • Theo Quốc lộ 3: Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng – Trùng Khánh – Bản Giốc

Di chuyển tới Thác Bản Giốc bằng ô tô

Hiện nay, từ Hà Nội có khá nhiều hãng xe khách, xe giường nằm khai thác cung đường đi lên Cao Bằng như: Thanh Ly, Ngọc Hà, Mai Luy,.. Giá vé dao động từ 180.000-200.000 vnđ/khách.

Thời gian xe di chuyển khoảng 6-7 tiếng lên tới thành phố Cao bằng.

Nếu đi chuyến đêm bắt đầu lúc 7 – 8h tối, nghỉ ngơi một đêm trên xe và đến lúc 4 – 5h sáng hôm sau bạn có thể lên tới bến xe thành phố Cao Bằng rồi. Sau đó, nghỉ ngơi ăn sáng một chút là bạn có thể có một ngày trọn vẹn khám phá Thác Bản Giốc – Cao Bằng rồi.

Thời điểm thích hợp để đi thác Bản Giốc Cao Bằng

Bản Giốc Cao Bằng nằm ở địa đầu Tổ Quốc nên thời tiết khí hậu được chia thành hai mùa mưa – khô rõ rệt. Dù đến đây vào mùa nào đi chăng nữa thì thác Bản Giốc đều mang trong mình một nét đẹp đặc trưng.

Vào mùa khô (tức từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau), Bản Giốc mang trong mình một nét đẹp nhẹ nhàng, thanh tao, hiện lên như một nàng tiên dáng trần.

Cả một vùng thung lũng Cao Bằng chìm trong sắc vàng ươm của lúa chín ôm lấy thác nước hiền hòa, thêm vào đó là sắc nước xanh trong thật lãng mạn và đầy quyến rũ. Chỉ nhìn thôi, cũng đủ khiến bạn cảm thấy háo hức muốn hòa mình vào dòng nước xanh mát ấy.

Vào mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 9), Thác Bản Giốc lại mang  một vẻ đẹp trái ngược hoàn toàn. Nếu bạn là người ưa thích sự táo bạo, mãnh liệt thì có lẽ đây chính là thời gian phù hợp nhất để đến đây.

Vào khoảng thời gian này, thác mang trong mình vẻ đẹp hùng vĩ, oai phong nhất, thác tuôn ồ ạt, bọt tung trắng xóa. Khi ghé thăm nơi đây, chắc chắn bạn sẽ phải choáng ngợp trước vẻ đẹp tuyệt tác, biểu tượng sức mạnh của mẹ thiên nhiên giữa đại ngàn Việt Bắc này.

Lời khuyên dành cho bạn là hãy tránh đi vào tháng 8, tháng 9. Lúc này đã vào giữa mùa mưa nên với những cơn mưa lớn có thể gây ra lũ và nước cuốn mạnh hơn.

Ngoài ra, bạn có thể kết hợp đi ngắm lúa chín vào tháng 10 hoặc ngắm hoa dã quỳ và hoa tam giác mạch vào tháng 11 cũng là một sự lựa chọn vô cùng hấp dẫn đấy nhé.

Một gợi ý khá độc đáo nữa, nếu bạn muốn ngắm băng tuyết vào mùa đông thì có thể đi du lịch Cao Bằng vào thời gian khoảng cuối năm trước đầu năm sau. Thời điểm này, ở phía rừng Phia Oắc nhiệt độ hạ thấp nên có thể xảy ra hiện tượng này.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan